Hà Nội còn về khuay đường phố càng tĩnh lặng. Bắt
giác nghe văng vẳng
tiếng rao quà ê a vọng lại. Tiếng rao với những âm sắc khác nhau, có khi thảng
thốt, có khi trầm khàn,
lảnh lót, có
lúc gần lúc xa như xua đi cái heo lạnh cuối thu đầu đông. Nó như một lời mời
không thể gọi tên nhưng đã trở thành quen thuộc với bao lớp người Hà Nội xưa –
nay. Chắc hẳn, mỗi người trong chúng ta sẽ xúc động khi đọc những vần thơ trong
bài thơ Nhớ Lại Một Đêm Trước 45 của tác giả Trương Đức Chính:
“Phố Hà Nội đêm dài hun hút
Hàng cây mùa đông trơ cành xương
Vẫn tiếng rao cất lên không ngớt
Vọng vào đêm tiếng rao lảnh lót,…”
Hà Nội ngàn xưa vốn là nơi kinh kỳ kẻ chợ, không chỉ
thu hút nhiều thương gia từ mọi miền đất nước mà còn là nơi hội tụ những thợ
thuyền, những nông dân từ nhiều vùng đất đến sinh cư, lập nghiệp. Các ngành nghề,
các phường buôn bán lần lượt ra đời và theo đó các hàng quán ăn uống cũng nảy nở
và phát triển để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của những thợ thuyền nơi phố thị. Đần
dần, nó trở thành một nét đặc trưng của chốn thị thành. Đầu thế kỷ XX, những
gánh quà rong khá phổ biến ở đất Hà thành. Ban đầu chỉ là những món ăn bình dị,
phù hợp với đời sống dân dã, thợ thuyền như thuốc, nước, trầu hay những món ăn
như bánh cuốn, bánh rán, xôi lúa, chè lam, chè bột,… là những món quà phổ biến
lúc bấy giờ. Rồi cứ theo nhu cầu ẩm thực của con người chốn kinh kỳ, các thứ
quà sáng, quà chiều và cả quà đêm cứ thế hình thành, phát triển và tồn tại đến
tận bây giờ. Thậm chí, có những món quà trở nên thanh nhã, tinh tế và trở thành
vốn quý trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.
Những gánh cốm gợi cho người ta nhớ thương mùa thu Hà Nội, ảnh sưu tầm.
Hà Nội về đêm thật
đẹp, mỗi đường phố đều rực ánh đèn, cái ồn ả, bụi bặm và sự náo nhiệt dường như
lùi dần trong đêm. Còn về khuay, đường phố còn vắng lặng, giữa cái vắng lặng
đó, bất chợt nghe từ xa vọng lại những âm thanh mời gọi: “ Ai bánh rán đây!”,
“Ai ngô luộc, ngô nướng nào!”, “Ai bánh bao nóng không!”,... Những tiếng rao ấy
gắn liền với cuộc sống đa dạng, phong phú của người Hà Nội. Những người chưa
quen với tiếng rao này sẽ bực bội vì sự phiền nhiễu. Bởi tiếng rao ấy đã phá đi
giấc ngủ say nồng sau một đêm thao thức. Nhiều lớp người Hà thành trước kia và
hiện nay ở độ tuổi 45 – 50 đều thuộcgần như hầu hết các hình thức bán, rao của
những gánh quà đêm.
Mỗi tiếng rao mang những âm hưởng, cung bậc
khác nhau, có tiếng rao da diếc của người phụ nữ tảo tần khuya sớm, mang trên
vai gánh hàng trĩu nặng, có tiếng rao đứt đoạn, ngắn gọn đôi khi chẳng thể nghe
rõ đó là từ gì. Người ta chỉ nghe tiếng rao lúc to, lúc nhỏ, lúc gần, lúc xa,
lúc lên cao, lúc xuống thấp nhưng nó cứ vang vọng mãi không thôi. Hàng không cần
bán hết mà người ta chỉ cần hơi ấm tình người giữa người bán và người mua. Đấy
là cách sống không cần sự giàu sang, không cần sự xa xỉ, cùng với thời gian ký ức
về những tiếng rao đêm vẫn còn lắng đóng trong tâm hồn mỗi người con Hà Nội cho
dù muôn năm cũ ai còn, ai mất.
Nhà văn Tô Hoài đã
viết về tiếng rao đêm Hà Nội những năm giữa thế kỷ trước bằng sự hiểu biết, sự
cảm thông và nhớ thương của một người con Hà Nội: “ Nhớ lại những khi buồn bã
mưa dầm gió bấc, không hiểu tại sao chỉ thấy nhớ ban đêm. Tưởng như cả năm, đêm
nào thành phố cũng chỉ toàn những rét mướt sâu thẳm. Vẫn biết Hà Nội có bốn mùa
mà cứ ngỡ thế.... Ô hay vậy, trong những tiếng đêm ấy nhiều tiếng rao hàng của
những người tha hương”. Không chỉ có Tô Hoài mà còn rất nhiều nhà thơ, nhà văn,
nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ đã lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ chính những ngôn ngữ,
âm thanh đời thường trong mỗi tiếng rao. Các tên tuổi như nhà văn Thạch Lam,
nhà văn Vũ Bằng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Lê Phổ,...
đã đưa ngôn ngữ bình dị, đời thường ấy lên một vị trí trang trọng, sánh ngang với
các tác phẩm khác.
Phở là thức quà đặc trưng của đất Hà thành, ai đã một lần được nếm thử hương vị thơm ngon của món ăn này thì sẽ không thể nào quên, ảnh sưu tầm.
Hà Nội hôm nay không còn hàng phở gánh, mì hoành thánh gánh, người Hà Nội cũng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn bởi hàng hóa dồi dào, đồ ăn thức uống phong phú, đa dạng, sự ăn, sự chơi cũng trở nên ồn ả hơn. Cái thú thưởng thức quà đêm giờ đây không phải chỉ của người lao động hay của văn nghệ sĩ mà còn khá phổ biến trong lớp trẻ. Các món quà đêm hôm nay cũng khác xưa nhiều, thay vì gồng gánh hay đội đầu như thuở trước, người bán hàng có thể ngồi cố định ở một chỗ hoặc chuyên chở trên những chiếc xe đạp nhanh gọn, thuận tiện hơn nhiều. Tiếng rao quà cũng dần thưa vắng hơn, thậm chí bây giờ người bán hàng rong ghi âm sẵn tiếng rao có vần, có điệu để giảm bớt sự mệt mỏi nhưng khó gợi cảm như những tiếng rao xưa.
Gánh hàng rong và tiếng rao Hà Nội đã trở thành cảm hứng cho những nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, ảnh sưu tầm.
Dường như Hà Nội mỗi
mùa đều có những thức quà riêng gắn với thói quen, sở thích của thực khách thị
thành. Có bao nhiêu thức quà thì có bấy nhiêu tiếng rao tương ứng. Các món quà
rong ban đêm có phần đặc biệt hơn, đặc biệt bởi cái cách người ta trao nhau những
món quà quê thơm thảo, đơn giản và thuận tiện mà cả người bán và người thưởng
thức đều dễ tiếp nhận. Những món quà chứa đựng trong đó sự giao hòa giữa đất trời,
giữa thiên nhiên và cả tình cảm giữa con người với con người. Quá khứ đã đi vào
dĩ vãng nhưng âm thanh lại có khả năng vượt cả không gian và thời gian. Ví như
chỉ trong tiếng rao “Phở!” ngân thật dài trong đêm khuya mà chúng ta có thể
khám phá ra những âm điệu Việt.
Đôi khi không cần đến
quy luật bằng trắc, thậm chí người ta có thể pha chế thêm một chút nhạc tính
ngân nga, trầm bổng khiến người nghe có cảm tưởng rằng chỉ với ngần ấy chút
bún, chút thịt bò, chút nước ninh xương, chút hành lá nhưng điệu rao ấy thật
phù hợp và thật gợi cảm với món quà rong. Người bán đã gánh hàng đi xa mà thực
khách vẫn còn lưu luyến. Phải chăng trong tâm tưởng thực khách như vẫn còn lữu
giữ sự ấm nóng của ngọn lửa than hồng và cái mùi vị đặc trưng của món phở hay cả
giọng rao ngân vang ấy đã để lại những dư âm khó phai nhòa trong đêm lạnh. Nếu
như Hà Nội thiếu đi những âm thanh ấy, thiếu đi những ngôn ngữ ấy, thiếu đi thứ
“âm nhạc” dân gian ấy thì thật tẻ nhạt biết bao!
Những gánh hoa đầy sắc màu tạo nên vẽ đẹp rực rỡ và duyên dáng cho mảnh đất ngàn năm văn hiến, ảnh sưu tầm.
Chắc hẩn với mỗi
người con Hà Nội nói riêng và mỗi người con đất Việt nói chung sẽ đâu đấu nhớ về
những hình ảnh, những âm thanh thân thương, gần gũi với cuộc sống Hà thành một
thời đã xa. Và có lẽ mỗi chúng ta cũng muốn tìm lại và giữ gìn những gì thuộc về
văn hóa Hà Nội. Lưu giữ tiếng rao xưa để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có thể
biết được một trong những bản sắc riêng của Hà Nội hào hoa và tinh tế. Trong
cái tĩnh lặng của đêm khuya trên đất kinh kỳ, nghe văng vẳng tiếng rao quà, giữa
cái còn cái mất là sự neo đậu của tâm hồn con người trước mọi thăng trầm cuộc sống.
Nhưng trước hết và trên hết những tiếng rao Hà Nội xưa cũ vẫn mãi là nơi để
chúng ta tìm đến những giá trị tinh thần không dễ gì mai một. Nó tồn tại và gắn
bó với người Hà thành như một sợi dây vô hình nối quá khứ với hiện tại, nối những
ngày xưa cũ với hôm nay. Những âm thanh trong dêm khuya đã trở thành nét duyên
riêng trong dời sống của người Hà thành. Cái nét duyên riêng ấy cứ hồn hậu, đằm
thắm và lặng lẽ ẩn mình trong từng đêm từng đêm, giữa những con phố nhỏ trong
lòng Hà Nội khiến ai đó dẫu chỉ một lần bắt gặp sẽ không thể nào quên và sẽ yêu
mến thêm mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Nguồn tham khảo:
Chuyện cũ Hà Nội,
Tô Hoài, NXB Thời Đại, 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét