Ca trù là một loại hình nghệ thuật độc đáo của
người Việt, có lịch sử hình thành từ rất sớm gắn với lễ hội, phong tục Việt
Nam. Ẩn chứa trong nghệ thuật Ca trù là cả bề dầy lịch sử và cả chiều sâu nghệ thuật
của một bộ môn đặc sắc. Là thân phận của những đào nương dành cả thanh sắc tuổi
xuân cho loại hình nghệ thuật này. Là những biến thiên của lịch sử mà Ca Trù gửi
vào trong câu hát thế cuộc bể dâu. Ngược dòng thời gian trở về quá khứ để có thể
tìm hiểu về nguồn gốc, tên gọi, làn điệu, phương thức biểu diễn của loại hình
nghệ thuật này.
Tên gọi của loại hình nghệ thuật Ca trù
Cho đến nay, vẫn chưa ai có thể xác định một
cách chính xác nghĩa gốc của thuật ngữ Ca Trù cho dù các nhà nghiên cứu đã đưa
ra những ý tưởng về thuật ngữ này. Bản thân các tên gọi khác nhau về Ca trù đã
cho thấy đây là một thể loại âm nhạc rất đặc biệt trong nền âm nhạc cổ truyền
Việt Nam, không có một loại hình nào có nhiều tên gọi như vậy. Mỗi tên gọi khác
nhau của loại hình nghệ thuật này lại chứa đựng hàm ý sâu xa về những không
gian văn hóa, chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện khác nhau của Ca
Trù. Trải qua quá trình ngiên cứu các học giả đã lý giải được những tên gọi
khác nhau của Ca Trù gồm: hát nhà tơ, hát nhà trò, hát ả đào, hát cô dầu, hát
nhà ty, hát thẻ và hát ca công. Có thể thấy các tên gọi này được hình thành
theo bốn nguyên tắc: danh từ chỉ người thực hành như hát ả đào, hát cô đầu;
không gian sinh hoạt như hát cửa quyền, hát nhà ty, hát nhà tơ; hoạt động diễn
xướng như hát nhà trò; phương thức trả thù lao nghệ thuật như hát Ca trù.
Từ "Ca trù" được
cho là lấy từ chữ Nôm: 歌籌 nghĩa là lối hát bỏ thẻ tre, người nghe hát thấy chỗ
nào hay thì ném thẻ cho đào hát. Sau đó cứ đếm thẻ mà trả thành tiền. Theo Sách Ca Trù biên khảo, ở cửa đền ngày
xưa có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi mức tiền ứng với giá
trị mỗi thẻ, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát, quan viên thị lễ
chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng (cồng) và một bên đánh trống. Chỗ nào ả
đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng đánh một tiếng chiêng
rồi thưởng cho một cái trù. Đến sáng đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền,
ví dụ được 50 trù, mà trị giá mỗi trù ấn định là 2 tiền kẽm thì làng phải trả
cho 10 quan tiền. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Ca Trù, nghĩa là hát thẻ. Có
thể nói, tên gọi Ca trù thể hiện rõ tính thương mại của một loại hình nghệ thuật
- tức loại hình này đã đạt tầm nghệ thuật cao để trở thành một giá trị hàng hóa
trong đời sống xã hội.
Hát
cửa quyền là hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ca trù trong các nghi thức của cung
đình thời phong kiến. Theo Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút : “Hát Ca
trù đời nhà Lê ở trong cung gọi là Hát cửa quyền. Triều đình cắt cử hẳn một
chức quan để phụ trách phần lễ nhạc trong cung, gọi là quan Thái thường. Hát
cửa quyền được dùng vào các dịp khánh tiết của hoàng cung”. Hát cửa đình là
hình thức sinh hoạt Ca trù phục vụ cho nghi thức tế lễ thần thánh ở các đình
hay đền làng. Trên thực tế, người ta còn mượn không gian đình đền để tổ chức
hát Ca Trù với mục đích giải trí đơn thuần. Song, hát tế lễ vẫn được coi trọng
hơn với cả một trình thức diễn xướng tổng hợp kéo dài. Bởi vậy, thuật ngữ Hát
cửa đình vẫn được sử dụng với hàm ý chỉ loại âm nhạc Ca trù mang chức năng nghi
lễ tín ngưỡng nơi đình (đền) làng. Hát
nhà trò là trong trình thức Hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự
kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi
đó là "bỏ bộ". Ả đào miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm điệu bộ
người điên, người say rượu, người đi săn... Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là
Hát nhà trò. Cách gọi này phổ biến ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hát
nhà tơ, so với các tên gọi khác của nghệ thuật Ca trù, Hát nhà tơ là một thuật
ngữ ít phổ biến. Theo Việt Nam ca trù
biên khảo thì thời xưa "dân chúng
ít khi tìm ả đào về nhà hát chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay
trong ty (tơ - ngày xưa dinh Tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh án sát gọi là Niết
ty) mới tìm ả đào tới hát. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Hát nhà tơ, nghĩa
là hát ở trong ty quan". Như vậy, cách gọi này xác định hình thức sinh
hoạt phục vụ nhu cầu giải trí của nghệ thuật Ca trù trong môi trường các nhà
quan lại. Tuy nhiên, cũng trên ý nghĩa ty là tơ thì Hát nhà tơ còn có thể được
hiểu theo nghĩa khác. Theo Phạm Đình Hổ ghi trong sách Vũ Trung Tùy Bút “Đời Hồng
Đức (1470-1497) nhà Lê, Ty giáo phường là một thiết chế do triều đình sắp đặt
để trông coi âm nhạc chốn dân gian. Về sau, khái niệm này còn được dùng phổ
biến ở thế kỷ XVII, XVIII trong các văn bia, khế ước. Và như thế, khái niệm Hát
nhà tơ - Hát nhà ty rất có thể chỉ là cách "diễn nôm" phiếm chỉ loại
âm nhạc của Ty giáo phường mà thôi”.
Hát
cô đầu, Theo Việt Nam ca trù biên khảo chữ ả nghĩa là cô, ả đào nghĩa là cô đào.
Theo Ca trù biên khảo: "Những ả đào danh ca dạy con em thành
nghề, mỗi khi đi hát đình đám, bọn con em phải trích ra một món tiền để cung
dưỡng thầy gọi là tiền Đầu. Sau người ta dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ
ràng, và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng bậc danh ca lão luyện đã dạy
nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là Cô đầu".
Tên gọi này của nghệ thuật Ca trù chính là sự phản ánh phần nào nhu cầu
"Nôm hóa" ngôn ngữ, đồng thời phản ánh một luật tục của giới nghề, đó
là việc trọng thầy và phụng dưỡng thầy. Hát ca công, theo Vũ trung tùy bút thì cho đến cuối thời Lê, ca công là danh từ được
dùng để chỉ các nghệ sĩ chốn giáo phường. Theo đó, Hát ca công hàm ý là âm nhạc
giáo phường. Như thế, tên gọi này chính là sự chuyển hóa của một danh từ chỉ
nghề nghiệp thành một danh từ chỉ thể loại. Điều đó đã đủ để chứng minh vai trò
quan trọng của thể loại âm nhạc này trong đời sống xã hội của cả một giai đoạn
lịch sử. Nói cách khác, Hát ca công thời xưa là một thể loại rất phổ biến, bao
trùm khắp nơi chốn, phường hội của những nhạc sĩ dân gian chuyên nghiệp. Sự phổ
biến đạt đến mức người ta gọi luôn loại âm nhạc mà các nghệ sĩ thực hành bằng
chính danh người nghệ sĩ.
Những quan điêm khác nhau về nguồn gốc của Ca trù
Một đều dễ nhận thấy là ở Việt Nam, rất hiếm
về những sách lịch sử và gần như không có tài liệu gốc đề cập đến nguồn gốc cua
Ca trù. Vậy nên, những tiếp cận về nguồn gốc Ca trù dưới góc độ sử liệu thật ra
chỉ được các tác giả thực hiện một cách gián tiếp. Cho đến nay, chưa thấy một
cuốn sách sử nào cho biết chính xác nguồn gốc của hát Ca trù. Trong cuốn sách Việt Nam Ca trù biên khảo Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề cho rằng ca vũ của nước ta một
phần chịu ảnh hưởng của ca vũ Trung Hoa và múa hát Chiêm Thành do những cuộc
chinh phục đời Lý, đời Trần du nhập vào. Để củng cố cho quan điểm Ca Trù là lối
hát trong cung đình thời Lý, Nguyễn Kỳ Hưng đã tìm dẫn chứng từ các sách Khâm Định Việt Sử, Đại Việt sử ký toàn thư
về những sự kiện có liên quan đến Ca Trù: “Mậu
Thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 19 [1028], (Tháng 6, lấy ngày sinh của vua làm tiết
Thiên Thánh. Lấy tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn ở Long trì: kiểu núi làm thành năm
ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng núi Trường Thọ, bên đỉnh bốn ngọn xung quanh đều
đặt núi Bạch Hạc, trên núi làm hình dạng các giống chim bay thú chạy, lưng chừng
núi có rồng thần cuốn quanh, cắm xen các thứ cờ, treo lẫn vàng ngọc, sai con
hát1 thổi sáo thổi kèn trong hang núi, dâng ca tấu múa làm vui, cho các quan ăn
yến. Quy chế núi năm ngọn bắt đầu từ đấy”. Theo ông nhân dịp sinh nhật vua
Lý Thái Tông năm 1028, các quan đã cho dựng một vũ đình, có ca nương đứng trên
xe múa và dâng rượu và cho rằng Ca Trù hay hát cô đầu là một loại hình ca hát
được du nhập từ Trung Hoa.
Trong bài viết Từ ca trù đến hát bội trong
phần sơ lược về Ca trù tác giả Lê Ngọc Cầu tiếp cận tư liệu lịch sử với góc
nhìn rộng hơn, không phải đi tìm dấu vết một tên gọi Ả đào hay Ca
trù mà Ca trù chính là toàn bộ phong tục múa - hát của
người Việt và ông thấy rằng, “Con hát đã thành chuyên nghiệp hẳn hoi ít ra
là từ thế kỷ V. Qua thời Đinh, thời Lý, khoảng thế kỷ X về sau thì nghề hát múa
của ta đã thịnh hành lắm rồi... Với các cứ liệu đó, chúng ta có cơ sở để nói rằng,
hát cửa đình và sân chầu bằng nghệ thuật ca trù đã ra đời rất sớm lại được phổ
biến rộng khắp từ dân gian vào cung phủ, đi vào sinh hoạt của nhân dân ta để trở
thành một phong tục từ ngàn xưa để lại”. Từ quan điểm đó tác giả đã
phân tích, dẫn chứng về mối quan hệ gắn bó giữa Ca trù và sân khấu, Ca trù “được
nhìn nhận như một trong những thành phần cơ bản đã hình thành nên nghệ thuật
tuồng”. Trong bài viết Ca trù qua một số truyền thuyết của
Trần Thị An chỉ xoáy sâu vào nguồn gốc xuất xứ của Ca trù qua các truyền thuyết.
Trong mục Truyền thuyết về tổ Ca trù, tác giả bài viết nhấn
mạnh đến cái nôi Ca trù Cổ Đạm và qua truyền thuyết về cây đàn đáy (chỉ có ở Cổ
Đạm) để giải quyết vấn đề: Có thể Ca trù có từ đời Lý nhưng cuối đời Lê mới xuất
hiện tổ Ca trù. Tác giả cũng lưu ý về mối liên quan giữa Ca trù và cái nôi dân
ca Nghệ Tĩnh: “Đó là việc dùng “hơi trong” của ca trù với âm “ư” làm nền
và tiếng đưa hơi “ư, hư, ni, nị” tạo giọng trầm trong hát Dặm Nghệ Tĩnh. Ý nghĩ
về việc hát ca trù và hát dặm có chung một quê mẹ văn hóa là đáng suy nghĩ”.
Bên cạnh quan điểm cho rằng Ca trù bắt nguồn từ cung đình thời nhà Lý thì một số nhà nghiên cứu cho rằng nó ra đời vào thời Lê. Tác giả Nguyễn Văn Duyệt tin rằng vào thời Hồng Đức (năm 1470) đã có những chấn chỉnh về âm nhạc mà đào nương mới có và giáo phường mới có từ đấy. Để cũng cố thêm cho lập luận này, Nguyễn Thụy Loan đã dựa vào sự ra đời của các nhạc cụ trong Ca Trù và không gian diễn xướng chính của nó là ở cửa đình để thấy rằng Ca trù không thể tồn tại trước thời Lê khi mà đàn đáy, sách và giáo phường lúc này mói xuất hiện. Đứng giữa hai quan điểm chủ đạo về nguồn gốc của Ca Trù thì Trần Văn Khê đưa ra giả thuyết về sự xuất hiện từ thế kỷ XIV ở làng Đại Xá, huyện Tuyên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày nay dựa trên một đoạn trích trong sách Công Dư Tiệp ký của Vũ Phương Đế. Những lý giải về nguồn gốc Ca trù dưới góc độ lịch sử đang xảy ra những tranh luận vì những thiếu thốn về mặt sử liệu nên vấn đề về nguồn gốc Ca trù cần được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.
Những ghi chép về Ca trù trong sử sách
Lối hát ả đào có từ thời nhà Lý, thưở ấy những
người đi hát gọi là con hát, tiếng Hán Việt là xướng nhi hoặc ca nữ. Năm 1025,
vua Lý Thái Tổ được chúc Quản giáp cho giới con hát. Đại Việt sử ký toàn thư có
nhắc đến sự kiện này như sau: “Ất Sửu,
[Thuận Thiên] năm thứ 16 [1025], Mùa thu, tháng 8, định binh làm giáp, mỗi giáp
15 người, dùng một người quản giáp. Lại định các cấp bậc quản giáp (khi ấy có
con hát là Đào thị, giỏi nghề hát, thường được ban thưởng. Người thời bấy giờ
hâm mộ tiếng hát của Đào thị, phàm các con hát đều gọi là Đào nương”. Khi
đó trong ban nhạc cung đình có con hát “Đào Thị”, giởi nghề cầm ca được vua Lý
Thái Tổ ban thưởng. Người thời bấy giờ hâm mộ danh tiếng của Đạo Thị nên các
con hát đều gọi là Đào Nương hoặc ả đào (ả có nghĩa là chị). Như vậy, tên gọi “ả
đào” và “quản giáp” đã được ra đời từ giai đoạn đầu trong cung đình nhà Lý. Từ
đây thuật ngữ “ả đào” và “quản giáp” luôn luôn đồng hành cùng nhau để thúc đảy
sự hình thành và phát triển của dòng nhạc này. Sách Việt
sử tiêu án cũng đề cập đến sự kiện này: “Vua
định số quân ra từng giáp, mỗi giáp là 15 người, dùng một người làm quản giáo,
rồi lại đổi gọi là Hỏa đầu, làm Chánh thủ, duy con nhà chèo hát thì gọi là quản
giáp. Bấy giờ có con hát là Đào Thị, có tiếng tốt và giỏi tài nghệ, từng được
vua thưởng; người ta mộ dang tiếng thị ấy, phàm con hát đều gọi là Đào nương, bắt
đầu từ đây”. Việt sử lược có ghi:
“Vua Thánh Tông (1054 – 1072) thông kinh
truyện, tinh âm luật, phiên chế ra nhạc khúc, sai bọn nhạc công hát. Vua làm ra
cái tiết cổ âm như hình bàn cờ, ở giữa khoét một lỗ tròn, khi tấu nhac thì đặt
cái trống vào đó mà đánh, tiến nghe rất nhịp nhàng”.
Sách
Công dư tiệp ký viết rằng cuối đời
nhà Hồ (1400-1407) có ca nương họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh
Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, khiến cho khắp vùng được
yên ổn. Khi nàng chết, dân làng nhớ thương lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn
ả đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là ả đào. Trên sử
liệu, những sự kiện về một ca nương nổi tiếng chứng tỏ nghề nghiệp của bà vào
thời điểm lịch sử đó đã được phổ biến như thế nào trong xã hội. Theo đó, ả đào
được coi là tên gọi cổ xưa nhất của thể loại âm nhạc Ca trù.Trong cuốn sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, nhạc
cung đình Thăng Long được ghi như sau: “Đời
nhà Lý, nhà Trần tập tục còn chất phác. Triều đình có tấu quốc nhạc cũng chỉ là
truyền tập, phải đến thời Lê Sơ thì âm nhạc cung đình Thăng Long mới đi vào quy
củ”. Tuy nhiên về nhạc cụ theo hình khắc trên bệ đá ở chùa Vạn Phúc, làng
Phật Tích tỉnh Bắc Ninh thì đã có các loại nhạc cụ như: phách, hồ gáo, sáo
ngang, đàn cầm, kèn, đàn tì bà, tiêu, đàn nguyệt ba đáy, trống thắt eo.
Sách
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Đinh Tỵ, [Thiệu Bình] năm thứ 4 [1437], Lỗ
bộ ty đồng giám kiêm tri điển nhạc sự Lương Đăng dâng nhạc mới phỏng theo quy
chế của nhà Minh mà làm. Trước Đăng và Nguyễn Trãi đã vâng mệnh soạn định nhã
nhạc. Trong đó, nhạc ở trên có 8 loại thanh âm như: trống keo lớn, khánh chùm,
chuông chùm, đặt các loại đàn cầm, đàn sắt, sênh, quản, thược, chúc ngữ, huân
trì4 . Nhạc ở dưới điện [46b] thì có phương hưởng treo, khống hầu”. Sách Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ có
viết: “Khoảng năm Hồng Đức (1470 – 1497) nhà Lê, trên có vua Thánh Tông là bậc
thông minh, lại có các quan đại thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh
là bậc học vấn uyên thâm, làm quan tại triều, mới kê cứu âm nhạc Trung Hoa hiệp
vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ: Đồng âm và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn thì chuyên tập
âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh, trong tiếng hát
đều thuộc về quan Thái thường trông coi”. Dùng Đồng văn vào việc tế tự giao
miếu tỏ ra nghiêm trang, trọng đại. Dùng nhã nhạc vào việc khánh tiết, khao
vọng, thiết đãi sứ thần ngoại quốc. Sự phát triển dòng nhạc ả đào thời Hậu Lê
còn nhờ việc các ca công đã hết hạn phục vụ trong ban ca nhạc của triều đình về
nghĩ hưu, lập ra giáo phường danh riêng cho các quan chức về hưu. Họ là những
nhà Nho lỗi lạc, tính tình tự do phóng khoáng
sau khi đã nổ lực trên đường “tu tề trị bình” đã thả hồn vào nghệ thuật
thi ca, tìm đến lạc thú khi trong lòng không còn đau đáu về sống chết, về phú
quý, công danh. Đó là cơ hội góp phần giúp cho dòng nhạc hát ả đào đã tầm cao,
một thú thường thức cao sang, tao nhã dành cho những “tao nhân mậc khách” là
nhà nho.
Các bạn nhớ đón chờ phần tiếp theo của bài viết này nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét