Tìm kiếm

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA - MỘT VAI GÁNH VÁC CẢ ĐÔI SƠN HÀ (KỲ I)


                              “Một miền đất, bé chăn trâu tập trận

                               Lớn, ngai vàng vẫn nhớ bóng cờ lau

                              Đời trận mạc gửi hồn trên lưng ngựa

                              Cố đô rêu phong trùng điệp núi xanh màu”

Một miền đất sinh vương, sinh thánh, tiếng quân xưa vẫn còn vọng đến bây giờ, để nghìn năm vẫn bồi hồi nhớ về đất cố đô. Những vần thơ dội lên từ ký ức thẩm sâu đang dẫn dắt chúng ta về với vùng đất cố đô xưa. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam, được Đinh Tiên Hoàng khởi dựng, một tòa kinh thành đá kỳ vĩ có một không hai trong lịch sử dân tộc suốt hành trình dựng nước mấy ngàn năm. Đây cũng là nơi từng lưu dấu sự hưng vong, cung vàng điện ngọc của bao bậc đế vương, hoàng hậu trải suốt 42 năm trị vì của ba triều đại kiêu hùng là Đinh - Tiền Lê và buổi đầu thời Lý từ năm 968 đến 1010. Chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian, trở về thế kỷ X để tìm gặp hình ảnh của Dương Vân Nga, một người phụ nữ có vai trò quan trọng đối với tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, một người phụ nữ bình thường với biết bao trăn trở, suy nghĩ trước những thị phi, điều tiếng của triều đình, gia đình, dòng tộc để rồi vượt lên trên tất cả Hoàng hậu đã hy sinh lợi ích của bản thân để phục vụ lợi ích nước nhà. Chân dung của vị Hoàng hậu đặc biệt này sẽ được khắc họa qua hành trình nàng trở thành mẫu nghi nhị triều Đình - Tiền Lê.  



Cố  đô  Hoa Lư - nơi lưu giữ dấu ấn hưng vong của ba triều đại Đinh - Lê - Lý  -Trần. ảnh sưu tầm. 

Dương Vân Nga có vẻ đẹp của một bậc quốc sắc thiên hương

 Dương Vân Nga (? – 1000), người Ái Châu (Thanh Hóa), là con gái một nha tướng của Dương Đình Nghệ. Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Nàng có gương mặt bầu bĩnh như khuôn trăng, song vẫn có nét thanh tú, cao sang như áng mây bồng bềnh. Cái tên Vân Nga (mây trăng) của nàng cũng hàm ý được điều đó. Nước da của nàng trắng hồng và đôi mắt phượng mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Các nhà nghiên cứu cho rằng Dương Vân Nga là người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam. Vẻ đẹp của nàng quyến rũ đến nỗi mỗi bước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng. Vẻ đẹp của nàng được mô tả qua những vần thơ trong cuốn Hoàn Vương ca thích (tìm thấy ở Hà Nam):

“Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng

Suối trong tựa ánh nguyệt tràn

Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây

Chim kề mỏ, bướm xỏ mày

Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm,…”


Hình tượng sắc đẹp phúc hậu và thanh tú của Thái hậu Dương Vân Nga, ảnh sưu tầm. 

Dương Vân Nga có vẻ đẹp của bậc quốc sắc thiên hương mà trong thiên hạ khó có thể tìm được người thứ hai. Vẻ đẹp của nàng tựa như vẻ đẹp của những bông hoa quỳnh nở rộ rực rỡ trong những đêm trăng sáng, tỏa ra một mùi hương nhẹ nhàng, thanh tao, nồng nàn và quyến rũ bay xa ngàn dặm. Hoa quỳnh như một nữ hoàng kiêu sa, kiều diễn trong thế giới cảnh vật về đêm. Nó có vẻ đẹp lộng lẫy và mong manh nhưng thuộc họ xương rồng nên có sức sống mãnh liệt trong cả những điều kiện khắc nghiệt. Giữa những đóa quỳnh nở rộ dưới ánh trăng, Dương Vân Nga là một đóa quỳnh tôn quý và đặc biệt nhất. Chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều, uyển chuyển của nàng đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn say đắm. Đó cũng là một trong những lý do nàng được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê.

Dương Vân Nga là vị Hoàng hậu được Đinh Tiên Hoàng sủng ái nhất chốn hậu cung nhờ vào tài sắc và đức hạnh của mình

Sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, chấm dứt thời kỳ loạn lạc kéo dài hơn 20 năm (945 - 967). Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xưng vương hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Ngài cho xây dựng cung điện, chế triều nghi, định lại các phẩm hàm bá quan văn võ. Quần thần tôn ngài là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Đến năm 970, Đinh Tiên Hoàng tấn phong một loạt năm vị Hoàng hậu đó là Đan Gia, Trinh Minh, Cồ Quốc, Kiểu Quốc và Ca Ông. Năm vị Hoàng hậu này quyền vị ngang nhau, không phân biệt quyền lợi lớn nhỏ trước sau, mỗi vị ở một cung riêng. Sự kiện tấn phong Hoàng hậu được Đại Việt sử ký toàn thư ghi như sau: “Canh Ngọ, Thái Bình năm thứ 1, [970] (Tống Khai Bảo năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng […] lập 5 Hoàng hậu: một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông”.  Hoàng hậu Trinh Minh tức Trịnh Thị, em ruột của viên tướng Trịnh Tú, là một người tâm phúc, bạn từ thuở hàn vi của Đinh Tiên Hoàng. Hoàng hậu chỉ sinh được một công chúa là Minh Châu, sau này được gả cho người em ruột của sứ quân Trần Minh Công là Trần Thăng. Hoàng hậu Ca Ông là con một vị tộc trưởng rất uy tín trong các bộ tộc người Mường ở Ái châu. Nhờ ảnh hưởng của gia đình Ca Ông, người Mường và nhiều bộ tộc thiểu số khác đã ủng hộ Đinh Tiên Hoàng mạnh mẽ.  


Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng triều nghi và tấn phong 5 vị Hoàng hậu (ảnh minh họa), ảnh sưu tầm. 

Hoàng hậu Đan Gia chính là bậc quốc sắc thiên hương Dương Vân Nga. Nhờ có nhan sắc xinh đẹp, lại hiểu biết nên Hoàng hậu trở thành người được nhà vua yêu thương nhất. Hoàng hậu Kiểu Quốc tức Kiều Nương vốn là em gái của sứ quân Kiều Công Hãn, cháu nội của Kiều Công Tiễn, người đã giết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ để cướp quyền nhưng rồi lại phải chết dưới tay vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Dòng họ Kiều Công là một dòng họ có tiếng lâu đời, con cháu đông đúc, có ảnh hưởng rất lớn ở vùng Phong châu. Trong khi sứ quân Kiều Công Hãn tướng thua quân rã đang trốn tránh đâu đó, Đinh Bộ Lĩnh tình cờ gặp người em gái của vị sứ quân lỡ vận này cũng đang lưu lạc phong trần. Thấy Kiều Nương cũng được người, lại có ý chiêu an người trong dòng họ Kiều Công, Bộ Lĩnh bèn cho rước nàng về làm vợ. Cuối cùng là Hoàng hậu Cồ Quốc, tức Hoàng Thị, mẹ của Phò mã Ngô Nhật Khánh. Đinh Tiên Hoàng thấy Nhật Khánh là người có uy tín nhất trong Hoàng tộc họ Ngô nên ngài tìm đủ cách để thu phục vị cựu sứ quân này. Ngoài việc gả công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh và cưới em gái của Nhật Khánh là Ngô Thị cho Đinh Liễn, ngài lại cưới luôn Hoàng Thị cho chính mình tạo thêm một mối dây dể buộc chặt Ngô Nhật Khánh.

Thời trẻ, Đinh Tiên Hoàng vốn là người ham mê chinh chiến, ít lưu tâm đến nữ sắc. Từ Hoàng hậu đầu tiên đến hai ba Hoàng hậu kế tiếp, nhà vua chưa thật sự có tình cảm mặn nồng với người nào cả. Từ ngày lập năm cung Hoàng hậu, tuy nói không phân biệt lớn nhỏ, trước sau, nhưng thực tế Đinh Tiên Hoàng vẫn chiếu cố đến cung Đan Gia hơn các cung khác. Lý do dễ hiểu là ở cung Đan Gia có một vị Hoàng hậu xinh đẹp, đức hạnh lại có Hoàng tử Hạng Lang, được coi như một viên trân châu của nhà vua. Thấy Dương hậu sinh được con trai, các  Hoàng hậu khác không ai muốn thua sút. Nên luôn ngầm tranh nhau, hễ có dịp là nói xấu nhau với nhà vua. Dương hậu là người đẹp nhất, trẻ nhất, lại có con trai, đương nhiên trở thành mục tiêu chính cho sự ganh ghét. Lúc bấy giờ nhà vua mới lên ngôi, công việc còn rối rắm nhưng ngài vẫn cố gắng dành nhiều thì giờ để đến với con. Hạng Lang càng lớn càng quấn quýt với vua cha. Năm 973, Dương hậu lại hạ sinh thêm một Hoàng tử nữa. Đinh Tiên Hoàng đặt tên cho Hoàng tử là Toàn. Đinh Toàn cũng là một Hoàng tử đẹp đẽ, thông minh không kém gì Hạng Lang. Hai đứa con đã thành hai cái vòng buộc chặt vị anh hùng Vạn Thắng vương với cung Đan Gia. Nhờ sự nuôi dạy, chăm sóc chu đáo của Dương hậu dành cho hai người con của mình mà hai Hoàng tử Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn ngày càng tỏ ra thông minh, đĩnh ngộ.


Nhờ tài sắc của mình mà Dương Vân Nga được vua Đinh Tiên Hoàng sủng ái nhất chốn hậu cung, ảnh sưu tầm. 

Đinh Tiên Hoàng luôn muốn các con của mình trở thành những người tài ba nên đã mời nhều thầy giỏi đến dạy cho hai Hoàng tử nhỏ cả văn lẫn võ. Hạng Lang nhờ có một bộ óc thông minh nên học hành rất tiến bộ. Tuy còn nhỏ nhưng Hạng Lang đã có được căn bản võ nghệ đáng nể, Hoàng tử đã khá rành rẽ việc cưỡi ngựa múa gươm. Điều đó làm cho Đình Tiên Hoàng và Dương hậu rất vui mừng. Thấy được tài năng cùng với sự yêu thương sẫn có dành cho Hạng Lang nên Đinh Tiên Hoàng quyết định tấn phong Hoàng tử Hạng Lang lên làm Thái tử, chuẩn bị nối ngôi sau này. Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mậu Dần [Thái Bình] năm thứ 9 [978], (Tống Thái Bình Hưng quốc năm thứ ba). Mùa xuân, tháng giêng […] lập con nhỏ là Hạng Lang làm Hoàng thứ tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương”. Việc Đinh Tiên Hoàng lập con thứ làm Thái Tử làm dấy lên trong lòng Nam Việt Vương sự ganh ghét, đố kỵ. Đình Liễn cho rằng mình là con trưởng đã cùng vua cha xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công hiển hách lại từng nhận tước phong của nhà Tống nhưng khi có Hạng Lang vua cha đã thiên vị cưng chiều mà lập làm Thái tử nên đã sai người ám hại em mình. Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liễn giết Hoàng Thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua, thuở hàn vi cùng chịu gian khổ, đến khi định yên thiên hạ, ý vua muốn truyền ngôi cho, mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống. Sau vua sinh con nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, lập làm Thái tử. Liễn vì vậy bất bình, sai người ngầm giết đi”. Cái chết tức tưởi của Thái tử Hạng Lang đã làm chấn động cả triều đình Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng cảm thấy vô cùng đau xót, tức giận trước cái chết của Thái Tử hạ lệnh xử trảm Nam Việt vương. Nhưng trước sự can ngăn của các vị đại thần và Dương hậu đã tha thiết cầu xin nên nhà vua đã tha chết cho Đinh Liễn. Thương con út, giận con trưởng lòng Hoàng hậu như tan nát. Nay anh đã giết em lại để thêm cha giết con nữa, gia đình tàn sát lẫn nhau thì Hoàng hậu còn lòng dạ nào, mặt mũi nào mà sống tiếp. Dù rất bận việc triều chính nhưng vua Đinh Tiên Hoàng vẫn sắp xếp thời gian đến cung Đan Gia để an ủi, động viên Hoàng hậu vượt qua quãng thời gian khó khăn này. Nỗi đau ứa máu trong tìm của người mẹ mất con không thể nào diễn tả nỗi nhưng Hoàng hậu Dương Vân Nga đã can trường vượt qua để bảo vệ gia đình, bảo vệ Hoàng tộc dù mình phải chịu đau xót, đắng cay.

Chúc bạn ngày mới an lành và hãy đón chờ các kỳ sau của bài viết này nhé !

 

 

 

 

 


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét