Tìm kiếm

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA - MỘT VAI GÁNH VÁC CẢ ĐÔI SƠN HÀ (KỲ CUỐI)

 

Dương Vân Nga trở thành chính cung Hoàng hậu nhà Tiền Lê

Sau khi chiến thắng quân Tổng trở về, vua Lê Đại Hành dốc toàn lực xây dựng, củng cố đất nước và đặt quan hệ giao hảo với nhà Tống. Năm 982, nhà vua sách phong một lượt năm vị Hoàng hậu, phong danh hiệu Đại Thắng Minh Hoàng hậu cho Dương Vân Nga trở thành chính cung Hoàng hậu nhà Tiền Lê và đứng đầu hậu cung. Bốn vị khác là Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quốc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu. Việc này được Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 [982], ( Tống Thái Bình Hưng Quấc năm thứ 7 ). Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương Thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ cuả Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu”. Vua Lê Đại Hành biết rằng nhờ có sự ủng hộ và tin tưởng của Dương Vân Nga mà ngài mới có thể giữ vững và có được giang sơn, đồng thời nhà vua cũng mến mộ trước tài sắc và tấm lòng cao rộng vì nước vì dân của Dương Vân Nga, cảm phục trước một người phụ nữ đã can trường vượt qua biết bao bão táp, rối ren của thời cuộc, người phụ nữ đặc biệt ấy xứng đáng được nắm giữ ngôi vị của bậc mẫu nghi và trên hết vua Lê muốn người phụ nữ tài sắc, thông minh, đức hạnh ấy cùng mình gánh vác giang sơn nên vua Lê Đại Hành vẫn lập Dương Vân Nga làm chính cung Hoàng hậu dù rằng nàng là vợ của Đinh Tiên Hoàng.


Dương Vân Nga là vị Hoàng hậu của cả hai triều đại Đinh - Tiền Lê, ảnh sưu tầm 

Khi trở thành Hoàng hậu nhà Tiền Lê, Dương Vân Nga đã hạ sinh một nàng Công chúa, được vua Lê Đại Hành đặt tên là Lê Thị Phất Ngân. Công chúa Phất Ngân sau này trở thành Hoàng hậu nhà Lý (vợ vua Lý Thái Tổ). Năm 982, vua Lê Đại Hành sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang bang giao với Chiêm Thành, bị Chiêm Thành bắt giữ. Vua Lê Đại Hành sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, ngài thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Mọi việc trong nước vua Lê Đại Hành giao cho Thái hậu Dương Vân Nga và các đại thần xử lý. Năm ấy, dân chúng gặp nạn đói, người xiêu tán, phiêu bạc khắp nơi. Ngoài cổng cung thành đâu đâu cũng gặp cảnh đói khát, cảnh chết chóc xảy ra. Dương hậu nghĩ mình thay mặc vua chăm lo cho dân, trước tình cảnh đói khổ của dân chúng mà không cứu giúp thì thật không đáng làm mẫu nghi thiên hạ nên Hoàng hậu đã cho phép triều thần xuất kho lương để cứu giúp dân chúng Hoa Lư trước và đợi nhà vua chinh chiến trở về sẽ bàn phương kế để cứu trợ nhân dân nghèo khổ cả nước. Nghe tin vua Lê Đại Hành đã đánh bại quân Chiêm, Chính cung Hoàng hậu Dương Vân Nga cùng cả triều đình và dân chúng Hoa Lư đều hồi hộp chờ đợi  để đón tiếp Hoàng đế Lê Đại Hành đánh Chiêm chiến thằng trở về.

Để ghi nhớ công ơn của Dương Vân Nga, Thái hậu nhân dân đã phối thờ tại đền vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, ảnh sưu tầm.  

Biết vua Lê Đại Hành rất bận việc triều chính lại thường phải xông pha nơi khỏi lửa trận mạc để dẹp loạn trong nước cũng như chống giặc ngoại bang nên Hoàng hậu Dương Vân Nga luôn cố gắng thu xếp ổn thoải việc hậu cung, để tránh những hiềm khích, nghi kỵ xảy ra giữa các Hoàng hậu, Phi tần, giữa các công chúa Hoàng tử để nhà vua vững tâm lo việc nước, để các võ tướng văn quan dốc hết tâm hết sức bảo vệ Hoa Lư, bảo vệ đất nước. Đặc biệt trong mối quan hệ giữ Đinh Toàn với vua Lê Đại Hành, Hoàng hậu Dương Vân Nga luôn tìm cách để hai người có điều kiện gần gũi và hiểu nhau vì Hoàng hậu muốn Đinh Toàn hết lòng phò tá vua Lê xây dựng và bảo vệ đất nước và muốn vua  tin tưởng Đinh Toàn. Tuy bận rộn với việc nội cung nhưng Hoàng hậu Dương Vân Nga vẫn quan tâm tìm thầy dạy văn, dạy võ và dạy cả lễ nghĩa cho Vệ vương. Nhờ năng khiếu bẩm sinh và lòng ham mê học tập, Vệ vương tiến bộ một cách nhanh chóng. Ngoài ra Vệ vương còn ưa thích việc nghiên cứu binh thư, đến tuổi trưởng thành Vệ vương đã trở thành một chàng trai văn võ kiêm toàn. Đây cũng là lúc Vệ vương phải mang tài học ra để giúp nước, để tỏ lòng hiếu thảo với hương hồn vua Đinh Tiên Hoàng, không phụ công bao lâu mẫu hậu và vua Lê Đại Hành nuôi dưỡng. Trong các cuộc hành quân, đánh dẹp nội loạn vua Lê Đại Hành đều đưa Đình Toàn đi theo. Năm 1001, Vệ vương Đinh Toàn cùng với vua Lê Đại Hành đi đánh giặc ở Cử Long, Đinh Toàn trúng tên của giặc và hy sinh trên chiến trường. Cuối đời, Hoàng hậu Dương Vân Nga tu hành tại động Am Tiên ở phía đông kinh thành Hoa Lư. Năm 1000, Hoàng hậu qua đời. Đại Thắng Minh Hoàng hậu được thờ cùng với vua Lê Đại Hành tại đền vua Lê ở khu di tích cố đô Hoa Lư và thờ cùng vua Đinh Tiên Hoàng tại đền Mỹ Hạ ở Gia Thủy, Nho Quan. Tại khu di tích đình - chùa Trung Trữ, Ninh Giang, huyện Hoa Lư, bà còn được phối thờ cùng cả hai vua. Tại chùa Am Tiên còn lưu giữ bài thơ khắc trên tường nói về cuộc đời vị Hoàng hậu này:

“Hai vai gồng gánh hai vua

Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên

Theo chồng đánh Tống bình Chiêm

Có công với nước, vô duyên với đời…”.

Một vài suy ngẫm xoay quanh câu chuyện cuộc đời của lưỡng triều Hoàng hậu Dương Vân Nga

Chân dung Thái hậu Dương Vân Nga được khắc họa một cách sinh động với nhiều cung bậc cảm xúc và màu sắc khác nhau qua hành trình nàng trở thành Hoàng hậu của cả hai triều đại Đinh - Tiền Lê. Có lúc Hoàng hậu hiện lên với hình ảnh lộng lẫy, tôn quý, có lúc thông mình, sắc bén, có cả hạnh phúc và khổ đau, có lúc dịu dàng và cá những lúc can trường, cứng rắn, có cả dáng dấp của một nhà chính trị đầy quyền uy, quyết đoán và mưu lược, có cả hình ảnh của một người phụ nữ chân yếu tay mềm và cả sự can đảm, mạnh mẽ của một bậc đại trượng phu. Từ một người phụ nữ bình thường Dương Vân Nga trở thành vị Hoàng hậu được vua Đinh Tiên Hoàng sủng ái nhất bằng chính nhan sắc và tài đức của mình. Những lúc được ở bên nhà vua và hai Hoàng tử Hạng Lang, Đinh Toàn là lúc Dương hậu cảm nhận được hạnh phúc, sự ấm áp và tình yêu thương của một gia đình, đó cũng chính là lúc Hoàng hậu cảm thấy mình dịu dàng, lộng lẫy, tôn quý và tràn trề sức sống nhất vì nàng được thực hiện thiêng chức của một người vợ, người mẹ. Ở chốn hậu cung dù muốn hay không Hoàng hậu và các con của mình không thể tránh khởi sự ganh ghét, đố kỵ, lời ra tiếng vào từ Hoàng tộc và triều đình. Sự trọn vẹn, êm đềm không bao giờ là mãi mãi, giông bão nổi lên, liên tục ập đến bủa vây cuộc đời Hoàng hậu và Hoàng triều. Trong vòng chưa đầy một năm, Hoàng hậu đã phải gánh chịu bao đau thương, mất mát: mất chồng, mất con, triều chính hỗn loạn, giặc ngoại xâm nhòm ngó, ấu chúa mới lên ngôi còn nhỏ chưa đủ sức lo liệu việc nước, việc nhà. Biết bao gian truân, khó khăn, nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai gầy của Hoàng hậu. Có những lúc Dương Vân Nga tưởng chừng như mình không còn đủ sức để tiếp tục nhưng khi nghĩ đến ấu chúa Đinh Toàn, nghĩ đến Hoàng tộc và vận mệnh của đất nước, của muôn dân Hoàng hậu đã không dễ dàng khuất phục trước sóng gió. Điều đó giúp cho Thái hậu Dương Vân Nga có được sự mạnh mẽ, sự quyết đoán, linh hoạt và khôn kéo trong hành động của mình trước những thách thức và khó khăn mà thời cuộc đặt ra. Nhờ quyết định sáng suốt và kịp thời của Thái hậu trong việc chọn và nhường ngôi cho Lê Hoàn mà cuộc kháng chiến chống Tống mới giành được thắng lợi, non sông, bờ cõi được giữ vững và Dương Vân Nga được tiếp tục tấn phong làm chính cung Hoàng hậu của nhà Tiền Lê, cùng vua Lê Đại Hành xây dựng và củng cố đất nước. Để trở thành Hoàng hậu của hai vị Hoàng đế uy danh lẫy lừng như Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành thì Dương Vân Nga phải thật sự là người phụ nữ xứng đáng và xứng tầm. Hoàng hậu Dương Vân Nga cũng tôn quý, uy nghiêm, mưu lược không kém so với hai vị vua này. Khi bước lên ngôi vị có một không hai ấy, không phải để hưởng thụ quyền lực, vinh hoa phú quý mà Dương Hoàng hậu đã phải trải qua biết bao cay đắng, thăng trầm, hy sình, Hoàng hậu cũng đã tự nhận lãnh và thực hiện xuất sắc trách nhiệm của mình đối với quốc gia, dân tộc trong vai trò mẫu nghi của hai triều đại.

Hình ảnh của Thái hậu Dương Vân Nga như hình ảnh của nước, vừa mềm mại, vừa mạnh mẽ, linh hoạt để vượt qua mọi khó khăn thử thách, ảnh suu tầm. 

Đã có một thời gian rất dài, các sử gia thời xưa dựa trên Nho giáo đều trực tiếp hoặc gián tiếp buộc tội Dương Vân Nga tư thông với Lê Hoàn để chiếm đoạt ngôi vua của nhà Đinh. Như sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, Đại Hành thông dâm với vợ vua đến chỗ nghiễn nhiên lập làm Hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn,...”, hay Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng viết: “Vệ vương mới có sáu tuổi lên làm vua, quyền chính ở cả Thập đạo tướng quân là Lê Hoàn, Lê Hoàn lại cùng với Dương hậu tư thông”,... Cái nhìn của các sử gia Nho học về một vị Hoàng hậu có vai trò chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại trong lịch sử Việt Nam như thế liệu đã thực sự đúng đắn, đầy đủ và thấu suốt chưa? Chúng ta hãy lùi lại một chút để có được cái nhìn đa chiều và rộng mở hơn về vị Hoàng hậu đặc biệt này, Năm 1981, học giả Văn Tấn có đánh giá về Thái hậu Dương Vân Nga như sau: Tiếng nói của quân đội lúc này là tiếng nói của cả dân tộc trong lúc thế nước gặp gian nguy… Truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng đã làm cho Dương Thái Hậu nhanh chóng tìm ra một lối đi phù hợp với lợi ích của dân tộc… Việc chủ động chuyển quyền hành của bản thân mình và của con mình cho Lê Hoàn, Dương Thái Hậu tỏ ra là một phụ nữ khôn ngoan, sáng suốt, dám lựa chọn sự hy sinh lớn khi cần phải lựa chọn. Hành động của bà rất đẹp đẽ, nó có tác dụng hàn gắn mọi rạn nứt trong lực lượng dân tộc nảy sinh ra từ cái chết đột ngột của Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn”. Cách đánh giá về sự kiện Dương Thái Hậu như trên có một bước ngoặt quan trọng về việc viết sử. Văn Tấn đã đưa “dân tộc” - khái niệm quan trọng nhất của bối cảnh chính trị đương thời, vào trong hoạt động nghiên cứu lịch sử. “Dân tộc” là vấn đề trung tâm, “đoàn kết dân tộc” là hoạt động thiết thực của người làm chính trị, các “rạn nứt trong lực lượng dân tộc” là nguy cơ của việc phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, dẫn đến việc giặc xâm lược, đe dọa đến độc lập dân tộc. Mà Độc lập là lợi ích sống còn của dân tộc. Dương Thái Hậu đã được đặt vào khung lý thuyết mới, hệ tư tưởng mới. Thái hậu được đánh giá là người đã biết hy sinh lợi ích cá nhân để hàn gắn rạn nứt dân tộc, là người đã khôn ngoan tiến hành công tác đoàn kết dân tộc, thể hiện ý chí của toàn thể dân tộc.

Hơn thế nữa, Thái hậu đã chứng minh giá trị lớn lao của người phụ nữ không chỉ ở sự giác ngộ tự thân về quyền lợi về địa vị của mình phải gắn liền với quyền lợi và địa vị của quốc gia dân tộc mà còn ở cả trí thông minh, tầm nhìn chiến lược đồng thời lại cũng rất nữ tính nữa. Dương Vân Nga là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đã nêu một tấm gương sáng về quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình - quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân mà không bị lệ thuộc vào giáo lý phong kiến, cũng như thói thường của dư luận. Giá trị cuối cùng là Thái hậu Dương Vân Nga đã được nhân dân thờ ở vị trí trung tâm, coi Thái hậu như một biểu tượng của một tinh thần xả thân vì đất nước nhưng cũng vô cùng dũng cảm để tự quyết định tình yêu của mình. Hình ảnh của Thái hậu Dương Vân Nga giống như hình ảnh của nước, bản chất của nước rất diệu kỳ. Nước luôn mang lại cảm giác hiền hòa, bình yên, tưới mát tâm hồn, nước không màu, không mùi, không vị để tôn mọi thứ ở cạnh với nước lên. Nước còn có khả năng luồn lách, linh hoạt chảy qua mọi địa hình để giữ vững dòng chảy. Và nhìn mềm mại vậy thôi nhưng nước có sức mạnh phi thường, có thể mài mòn cả đá. Thái hậu Dương Vân Nga là người phụ nữ hiền hòa, mỏng manh nhưng linh hoạt, khôn khéo và khi cần cũng có thể mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh và đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. Chân dung  Thái hậu Dương Vân Nga chắc hẳn sẽ để lại cho mỗi người chúng ta những suy ngẫm và những bài học cho riêng mình. Đó có thể là những suy ngẫm và bài học về sự linh hoạt, khôn ngoan trong hành động và lựa chọn trước những biến đổi mau lẹ của thời cuộc, cũng có thể là vị trí vai trò của người phụ nữ trong xã hội xưa và nay, đó cũng có thể là bài học về lòng yêu nước, lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi công dân đối với quê hương, đất nước hay cũng có thể là nghị lực, sự can trường vượt qua những khuôn khổ của thời đại và những giói hạn của bản thân để có thể đạt được những mục đích tốt đẹp và to lớn hơn hoặc cũng có thể là bài học về chọn và sử dụng người tài,...


Thái hậu Dương Vân Nga xứng đáng đứng ngang hàng với vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn vì những dóng góp của bà đối với đất nước, ảnh sưu tầm

Nói đến Dương Vân Nga là nói đến vị lưỡng triều Hoàng hậu trao đi ngôi báu vì giang sơn, đại cuộc. Nhắc đến Dương Vân Nga là nhắc đến người phụ nữ khôn ngoan, mạnh mẽ, một vai gánh vác cả đôi sơn hà, là người phụ nữ xinh đẹp, đức hạnh, thông minh, tài nghệ. Nhớ đến Dương Vân Nga là nhớ luôn cả vùng đất Hoa Lư (Ninh Bình), nơi mà xưa ấy Đinh Tiên Hoàng đã từng đóng đô, nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, nơi chứng kiến sự chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại nằm trong tay một người phụ nữ, nơi chứng kiến bao chiến công hiển hách của cả hai triều đại Đinh - Tiền Lê,... Nếu có dịp đến  thăm cố đô Hoa Lư, hay tìm đọc những trang sách về vùng đất địa linh, nhân kiệt này chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh cũng như những câu chuyện xoay quanh cuộc đời  Thái hậu Dương Vân Nga. Hình ảnh ấy sẽ để lại trong mỗi chúng ta những ấn tượng và cảm nhận riêng về vì Hoàng hậu đặc biệt này. Với những dóng góp của mình cho giang sơn, xã tắc, Dương Vân Nga xứng đáng được hậu thế ghi nhận, biết ơn, kính phục và tôn vinh như biết bao bật anh hùng hào kiệt khác của Việt Nam. Dù quá khứ đã lùi xa, nhưng hình ảnh về một cố đô nguy nga, diễn lệ, về những nhân vật lịch sử gắn liền với vùng đất này và đặc biệt là hình ảnh của Thái hậu Dương Vân Nga - một bậc mẫu nghi tài sắc vẹn toàn sẽ không bao giờ bị phủ lấp dưới lớp bụi mờ của thời gian. 

 

Nguồn tham khảo:

1. Các sử thần triều Lê, 2006, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, 1998, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

3. Nguyễn Quang Thắng - Nguyễn Bá Thế, 2013, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Khắc Thuần, 2018, Việt sử giai thoại, tập 1, NXB Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả, 2014, Những phi hậu nổi tiếng của các triều đại Việt Nam, NXB Thời Đại, Hà Nội.

6. Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung, 2019, 54 vị Hoàng hậu Việt Nam, NXb Hồng Đức, Hà Nội.

7. Hoàng Công Khanh, 1996, Hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga, NXB Văn Học, Hà Nội.

8. Ngô Viết Trọng, 2005, Dương Văn Nga - non cao và vực thẳm, NXB Văn Học, Hà Nội.

                           

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét