Dương Vân Nga một tay gánh vác việc nước, việc nhà khi
sóng gió ập đến Hoàng triều
Nổi đau
mất con chưa nguôi thì sóng gió lại tiếp tục ập đến bủa vây cuộc
đời Hoàng hậu Dương Vân Nga và Hoàng tộc. Tháng 10/979, Chi hậu nội nhân Đỗ
Thích thấy sao sa rơi vào miệng, Đỗ Thích cho đấy là điềm tốt và nghĩ rằng mình
có thể làm vua nên đã tìm cách giết hại vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh
Liễn. Đỗ Thích được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm chức Chi Hậu Chánh chưởng coi
giữ kho gạo, kho muối và kho binh khí lập ở ngũ Phong Sơn, kiêm luôn việc bếp nước, yến
tiệc hàng ngày trong hoàng cung, phụng hầu nhà vua, các Hoàng hậu, các Hoàng tử
và Công chúa. Đỗ Thích là người gần gũi và được nhà vua tin tưởng. Gần quá,
quen quá hóa nhờn, cùng với tham vọng được nắm giữ quyền lực, địa vị đã làm Đỗ
Thích mờ mắt. Đỗ Thích nghĩ vua chúa thật ra cũng như người bình thường, Đinh
Tiên Hoàng làm vua được, tại sao mình lại không được? Chính tham vọng đó, suy
nghĩ đó đã kiến Đỗ Thích liều lĩnh giết vua và giết luôn cả Nam Việt vương. Sự
kiện Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng được Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích1
giết vua ở sân cung. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó
Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào
miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua
ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả
Nam Việt Vương Liễn”. Hoàng
hậu Dương Vân Nga cùng với Hoàng tộc, triều đình lo liệu tang lễ cho vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương cũng như tìm bắt Đỗ
Thích. Khi ấy lệnh lùng bắt
hung thủ rất gấp, Đỗ Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua ba ngày, vì
vừa khát vừa đói lả, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông
thấy liền đi báo. Định quốc công Nguyễn Bặc đã sai người bắt và trừng phạt Đỗ
Thích theo phép nước. Trong nỗi sầu thảm khủng khiếp khó nguôi Hoàng hậu Dương
Vân Nga tưởng chừng như mình có thể bị ngã gục bất cứ lúc nào nhưng Duong hậu
vẫn nén đau thương trong lòng để lo liệu tang lễ cho Hoàng đế. Duong hậu cùng 4
Hoàng hậu khác và các con của nhà vua chua ai muốn rời xa người chồng, người cha, vị Hoàng đế đã đem
cho mình niềm vinh hạnh và cuộc sống vương gia, quý tộc bấy lâu, cho dân chúng
vùng Hoa Lư được hớn hở kể với mọi người rằng mình là dân đất quê vua, cho đất
nước thoát khỏi cảnh loạn lạc.
Đất nước một ngày không có vua sẽ loạn. Sau khi lo xong tang lễ
cho Tiên đế, Vệ vương Đinh Toàn được triều đình Đại Cồ Việt chính thức tôn lên
làm Hoàng đế. Ngài không đặt niên hiệu mới mà vẫn giữ nguyên niên hiệu Thái
Bình của Tiên đế. Hoàng hậu Dương Vân Nga được tấn phong làm Thái hậu. Đinh
Toàn mới là một đứa trẻ lên sáu nên không thể gánh vác việc nước. Thái hậu
Dương Vân Nga phải nhiếp chính, đồng thời giao cho Lê Hoàn làm Phó vương. Trong
các buổi chầu, Thái hậu ngồi sau mành và Lê Hoàn ngồi cạnh vua để giải quyết
việc triều chính. Có việc gì trọng đại sẽ hoãn lại để bàn bạc với Thái hậu. Do
vậy, Lê Hoàn được phép ra vào cung cấm để tiện cho việc bàn bạc chính sự. Thấy
Lê Hoàn và Thái hậu ngày càng thân thiết, sợ ngôi vua sẽ rơi vào
tay Phó vương nên Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp là những đại
công thần của triều Đinh đã bàn thảo kế hoạch dáy binh tiêu diệt Lê Hoàn. Trước
tình thế đó, Thái hậu Dương Vân Nga đã gọi Lê Hoàn vào cung tìm cách
giúp ấu chúa dẹp loạn. Lê Hoàn tâu với Thái hậu rằng: “Thần ở chức Phó
Vương, quyền nhiếp chính sự, cho dẫu biến loạn sống chết thế nào, cũng quyết
đảm đương trách nhiệm”. Nói rồi ông chuẩn bị quân ngũ để tiến đánh và
tiêu diệt được Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp. Đại Việt sử ký toàn thư có
ghi: “Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc
như Chu Công, tự xưng là Phó Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp
Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy
binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng
không đánh nổi, bị giết”. Sở dĩ Đinh Tiên Hoàng đầy uy danh lừng lẫy cũng bởi
vì quanh Đinh Tiên Hoàng và sát cánh với ngài là một loạt những tướng lĩnh tài ba, như
Đinh Điền, như Nguyễn Bặc, như Phạm Hạp, như Lê Hoàn và như không biết bao
nhiêu là người tài khác. Tiếc thay, những bậc anh tài này chỉ sát cánh với nhau
khi có Đinh Tiên Hoàng chứ không thể sát cánh với nhau sau khi Đinh Tiên Hoàng
đã khuất. Anh tài chẳng thể nương tha anh tài. Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm
Hạp chỉ mới thấy ngôi vua mà chưa thực sự thấy triều đình, chỉ mới thấy chuyện
Hoàng tộc chứ chưa thực sự thấy hết chuyện xã tắc, chỉ mới thấy việc ở trước
mắt chứ chưa thấy sự lợi hại của mai sau. Nếu họ sáng suốt phân tích những biến
đổi của thời cuộc thì có lẽ sự việc đáng tiếc này sẽ không xảy ra.
Trước lúc bằng hà, Đinh Tiên Hoàng đã đồng ý cho Phò mã Ngô Nhật Khánh (người thuộc dòng dõi Ngô Quyền, đứng dầu sứ quân xứ Đường Lâm, được nhà vua gả con gái của mình cho Nhật Khánh để ông phò trợ nhà Đinh) đưa Công chúa Phất Kim về Ái Châu nhưng thực ra là sang cầu viện Chiêm Thành giúp mình khôi phục lại vương quyền họ Ngô. Từ ngày về làm Phò mã nhà Đinh, ngoài mặc Nhật Khánh cười cười nói nói chan hòa, nhưng trong lòng vẫn nuôi ý phục thù. Trên đường đi khi biết được Nhật Khánh sang Chiêm Thành, Công chúa Phất Kim đã khuyên can chồng và kiên quyết không đi cùng Nhật Khánh để phản bội vua cha, phản bội dân tộc, nàng đã bị Nhật Khánh dùng mũi gương hớt lên má, máu và nước mắt hòa lẫn vào nhau trên gương mặt tuyệt vọng của Công chúa. Nhật Khánh đã bỏ lại Phất Kim cùng những thị tỳ theo hầu nàng để sang Chiêm Thành. Từ khi ở biên giới phía Nam quay về, Phất Kim trở thành người câm lặng, suốt ngày chẳng nói chẳng rằng. Ở trong cung cũng như ở núi chùa, Phất Kim sống vật vờ, lờ lững như cái bóng. Thương con thắt ruột, Thái hậu thường đến chùa thăm con, lệnh cho tỳ nữ chăm sóc ăn uống thuốc thang. Nghe tin vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, Ngô Nhật Khánh đã dẫn hơn một nghìn chiến thuyền cùng quân Chiêm Thành tiến đánh Đại Cồ Việt nhưng gặp lúc bão lớn đã nhấn chìm Ngô Nhật Khánh và toàn bộ quân, thuyền bè, duy chỉ có vua Chiêm còn sống sót. Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước…". Giông bão liên tiếp ập đến làm cho Phất Kim đau đớn, xót xa, tuyệt vọng, cuối cùng Công chúa đã nhảy xuống giếng, trước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn. Như vậy là chưa đầy một năm, đau buồn và tang tóc liên tiếp gieo xuống đầu Thái hậu Dương Vân Nga. Trước cảnh đau thương, triều chính hỗn loạn trong lòng Thái hậu Dương Vân Nga cũng ngổn ngang trăm mối, gỡ lối chưa xong nhưng Thái hậu vẫn một lòng quyết chí vượt qua giông bão, vượt qua mọi điều tiếng, gán ghép tội tư tình giữa Thái Hậu và Phó vương để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng cũng như bảo vệ ấu chúa và bảo vệ chính mình. Bằng sự kiên cường, sắc sảo, mưu lược cùng với sự phò trợ của Phó vương Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga đã tạm thời thu xếp ổn thoải việc nước, việc nhà vì hơn ai hết Thái hậu nhận thức được rằng từ chỗ loạn nhà đến chỗ hại nước, khoảng cách thật chẳng xa. Những mối lo chung về quốc sự đã làm cho Thái hậu và Phó vương ngày càng gắn bó với nhau chặt chẽ hơn.
Thái hậu Dương Vân Nga -
Người đã xoay chuyển vận nước từ nguy thành an
Tin Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương bị ám sát
không mấy chốc đã đến tai vua nhà Tống. Tiếp đó, ấu chúa lên nối ngôi còn nhỏ, các
triều thần tranh giành giết hại lẫn nhau làm cho vua Tống còn quyết tâm thôn
tính nước Đại Cồ Việt. Trước thời cơ đó, tháng 7/980 vua Tống bèn phong Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lục
lộ thủy lộ Chuyển vận sứ, các tướng Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Giả Thực, Lưu
Trừng làm Binh mã đô bộ thư, tất cả âm thầm sửa soạn quân lương để chinh phạt
Đại Cồ Việt. Quân do thám của Đại Cồ Việt dò biết việc này bèn cấp báo về
Hoa Lư. Nhận được tin cấp báo, Thái hậu và Phó vương đều có chung suy nghĩ là
không thể để non sông gấm vóc rơi vào tay giặc nhưng cũng còn rất nhiều điều làm cho Thái hậu lo lắng, trăn trở. Vua
còn nhỏ không đủ sức để lãnh đạo đất nước đánh giặc, không phải tất cả văn quan
võ tướng trong triều và ở trong các đạo binh đóng trên các trận địa đều có
quyết tâm chống giặc như Thái hậu và Phó vương. Cũng như Đinh Điền, Nguyễn Bặc,
các quần thần chung một lòng yêu nước, nhưng khác ý trong cách cư xử. Họ đều
rất mực trung thành với Đinh Tiên Hoàng, họ muốn duy trì dòng họ Đinh. Sự nghi
ngờ của họ đối với Lê Hoàn là dễ hiểu. Điều đó là trở ngại lớn cho Lê Hoàn,
trước sức mạnh ồ ạt của quân Tống, sự thiếu cùng lòng một chí trong nội bộ sẽ
làm cho cuộc chống xâm lược gặp khó khan, cho dù Lê Hoàn có tài cầm quân và nắm cả mười “Đạo” trong tay. Quần
thần trong triều đình đang bơi giữa hai dòng nước nửa xuôi nửa ngược. Nếu phó
mặc thì khi thua trận, nhà Đinh mất, đất nước rơi vào tay giặc. Nếu hăng hái
quyết tâm dẹp giặc thắng lợi, thì quyền lực lọt vào tay Lê Hoàn nhà Đinh vẫn
không tồn tại.
Lại những đêm mất ngủ vì trằn trọc trong thấp thỏm, lo âu của Thái
hậu. giữa trăm mối ngổn ngang Thái hậu chưa biết phải xử trí như thế nào. Tin
tức từ các nơi lại bay về kinh đô tới tấp và toàn là những đòi hỏi cấp bách.
Tổng chỉ huy giặc Hầu Nhân Bảo đương dong hàng trăm chiến thuyền men theo bờ
biển len lách qua các đảo vượt Vân Đồn đến cửa Lục vào sông Bạch Đằng. Đoàn
huyện Sứ Lan Châu Tôn Toàn Hưng dồn thủy quân ở Hoa Bộ sát hải phận Vạn Ninh,
chờ Thứ sử Ninh Châu Luu Trừng gom thêm lương thực cho thật dồi dào rối sẽ cùng
xuống Chi Lăng. Quân khí khố phó Giả Thực và Cung Phụng quan Cáp chi môn hậu
Vương Soạn thiết lập trung doanh ở Châu Tư Minh làm trạm trung chuyển cung cấp
lương thảo khí giới cho cả hai toán quân thủy bộ hai nơi. Lại còn đạo quân dự
bị của Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên vừa để bảo vệ hậu tuyến vừa làm lực lượng
bổ sung cho tiền phương khi cần thiết. Thế trận của giặc Tống đã rõ, hai mũi
tiến công ấy sẽ gặp nhau tại Chi Lăng, sau đó chúng có thể tập trung toàn lực
xông xuống Hoa Lư. Trước quân số đông gấp hàng chục lần và uy thế hùng hổ muốn
nốt chửng Đại Cồ Việt của địch, Lê Hoàn vô cùng lo lắng. Ông đã định ra kế
hoạch để đánh giặc nhưng lòng người lại không quy về một mối. Thù trong chưa
giải hết, giặc ngoài lại cường hung. Ấu chúa còn quá nhỏ, Thái hậu Dương Vân
Nga lại đang là cái đích để trăm ngàn mũi tên đàm tiếu bắn vào.
Tình hình nghiêm trọng, cấp thiết lúc này không cho phép Thái hậu
suy nghĩ đắng đo quá lâu, nếu không quyết định dứt khoát và nhanh chóng không
chỉ Thái hậu mà cả Hoàng triều và quốc gia, dân tộc của người sẽ rơi vào lâm
nguy. Đó là một thử thách khắc nghiệt đối với Thái hậu, cũng là thước đo nghị
lực đối với trí lực của một Thái hậu cầm quyền, là ngọn lửa thử vàng đối
với tâm tình Thái hậu với muôn dân, trăm họ và lòng tin của Thái hậu
đói với Phó vương Lê Hoàn. Khi cả triều đình đang họp bàn về việc đánh giặc
Tống xâm lược. Tất cả đều đồng thanh là phải đánh. Nhưng đánh như thế nào và ai
sẽ là người thống lĩnh binh lính, huy động dân chúng thì chưa thể quyết
định được. Mọi người bàn luận chưa xong thì các tướng lĩnh đeo gương, mặc giáp từ
ngoài cổng bước vào, dứng ngoài sân triều là một toán quân thiện chiến, dàn
hàng nghiêm chỉnh, thay cho toán quân tức vệ cung đình. Mọi người chưa hiểu
chuyện gì đang xảy ra, từ trong hàng ngữ Đại Tướng quân Phạm Cự Lạng bước ra,
chấp tay cung kính thưa với Thái hậu nên lập Thập đạo tướng quân làm thiên tử
rồi sau hãy đem quân đánh giặc. Mọi người chưa kịp định thần thì toán lính ngoài
sân triều đã hô vang: “Vạn tuế! Thiên tử vạn tuế!”. Ngoài cổng cung
thành tiếng hô theo “Vạn tuế! Lê thiên tử vạn tế!” cũng nổi dậy rầm
trời. Tiếng hô đập vào núi đá quanh kinh thành, dội lại thành tiếng vang, kéo
dài mãi tưởng như thiên binh vạn mã hò reo. Trong triều quần thần bị hấp lực
của sóng âm thanh dù là người có thiện cảm, tán thành hay một vài người trung
thành với nhà Đinh chống lại Lê Hoàn đều nhất loạt đứng dậy hô theo. Trước khí
thế vang đội ấy, trước sự nhất trí của quần thần, Thái hậu Dương Vân Nga đã
không một chút do dự lấy áo long Cổn trao cho Phó Vương mời ông lên ngôi. Tiếng hô “Vạn
tuế! Vạn tuế!” bỗng lại ầm ầm vang trời dậy đất, trùm ngợp cỏ
cây, sông núi kinh đô. Sự kiện Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế được Đại Việt sử ký
toàn thư ghi như sau: “Canh Thìn, [Thái Bình] năm thứ 11 [980], mùa
thu, tháng 7, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo
về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang
là Phạm Cư Lạng làm Đại Tướng quân. Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất
quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ,
nói với mọi người rằng: " Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép
sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức
liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho ? Chi
bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẻ xuất quân thì
hơn". Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế ". Thái hậu thấy mọi
người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời
lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc
năm đầu [980]”.\
Ảnh minh họa cảnh Thái
hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, ảnh sưu
tầm.
Thái hậu Dương Vân Nga đã chọn hy sinh lợi ích của cá nhân, của dòng họ mình để đặt lợi ích của đất nước lên trên vì Thái hậu muốn nhìn thấy đất nước, muôn dân của mình được sống trong cảnh yên vui, thái bình, bờ cõi trời Nam được giữ vững, Thái hậu lựa chọn tin tưởng Lê Hoàn vì thấy được tài năng và đức độ của ông sẽ có thể lèo lái con thuyền dân tộc vượt qua thử thách nguy nan, và Thái hậu cũng lựa chọn tin vào chính minh, tin rằng việc mình nhường ngôi cho Lê Hoàn là đúng đắn để giúp quốc gia khỏi họa xâm lăng và tin mình sẽ vượt qua được tất cả những điều tiếng, nghi ngờ. Sẽ không có thiết triều chúc tụng vị Hoàng đế triều đại mói của trăm quan văn võ, không có tiệc khao ba quân tướng sĩ, cũng không mở hội đèn hoa ca hát ăn mừng trong dân chúng. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quanh mà cực kỳ khó khăn đó là chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ. thái bình cho xã tắc giang sơn. Thời gian gấp rút, giặc ngoại xâm ở ngoài cửa ngõ, không thể để chúng dày đạp, xéo nát núi sông. Chỉ kịp ban chiếu nhường ngôi, bố cao thiên hạ, tôn xưng miếu hiệu Đại Hành, cải niên hiệu là Thiên Phúc. Vua Lê Đại Hành cùng cả nước khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược. Vua Lê Đại Hành một mặt sai Phạm Cự Lạng đem thủy binh chống giặc Tống trên sông Bạch Đặng, mặc khác nhà vua trực tiếp chỉ huy chiến trận ở mặt bộ. Về mặt thủy, quân Tống quá mạnh nên quân Đại Cồ Việt phải trải qua rất nhiều khó khăn mới cầm chân được quân Tống. Nhưng về mặt bộ, Hầu Nhân Bảo ỷ mạnh, dương dương tự đắc tiến lên, bị dụ vào ổ phục binh thuộc ải Chi Lăng, quân Đại Cồ Việt phục sẵn đổ ra đánh cho tan tác. Hầu Nhân Bảo bị bắt đem về giết. Hai bộ tướng của y là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt đem về Hoa Lư. Tôn Toàn Hưng thoát được chạy trốn về nước. Bọn Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ nghe tin bộ quân đã tan vỡ hoảng sợ phải rút quân lui. Phạm Cự Lạng thừa thế đuổi đánh bắt được rất nhiều binh lính và thuyền bè. Vua Tống thấy quân mình bị thua nhục, giận dữ quá, bèn xử tử tướng Tôn Toàn Hưng. Thế là năm 981, đại quân của vua Lê Đại Hành đã mang chiến thắng khải hoàn trở về Hoa Lư. Nghe được tin chiến thắng của nhà vua, gánh nặng ngàn cân đang dè nén trên đôi vai gầy và nỗi lo như thiêu như đốt của Thái hậu Dương Vân Nga dường như đã được trút bỏ vì thiên hạ, dân chúng của Thái hậu đã tránh được kiếp lầm than, nô lệ, vì vua Lê Đại Hành đã không phụ lại lòng tin của Thái hậu và đặc biệt là quyết định sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Thái hậu đã làm biến đổi cục diện lúc bấy giờ, triều đình từ hỗn loạn, chia rẽ đã trở nên nhất trí đồng lòng cùng nhau chống giặc, từ chỗ bị động đến chỗ chủ động trong cuộc kháng chiến chống Tống, tìm được người đủ đức đủ tài để lèo lái con thuyền đất nước vượt qua giông bão, xoay chuyển vận nước từ nguy thành an.
Mời các bạn đón xem kỳ cuối của bài viết này nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét